Nho Quan: Kết nối du lịch - làng nghề
Nho Quan là địa bàn sinh sống của số đông người dân tộc Mường Ninh Bình, những bản sắc văn hóa đặc trưng vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn, bên cạnh đó là sự duy trì các nghề thủ công truyền thống qua nhiều thế hệ. Do đó, Nho Quan có thế mạnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng. Với những lợi thế đó, Đảng bộ huyện Nho Quan xác định đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống làm nền tảng phát triển du lịch là hướng đi cần thiết.
Du khách về với huyện miền núi Nho Quan không chỉ biết đến các địa danh du lịch nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; hang động Vân Trình; khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cúc Phương... mà còn biết đến một số làng nghề mỹ nghệ nổi tiếng như làng nghề truyền thống gốm Gia Thủy, mộc Quỳnh Phong, mây tre đan ở Đức Long, Gia Tường.
Xã Gia Thủy là một trong những xã có nghề truyền thống phát triển nhất của huyện Nho Quan hiện nay. Ông Nguyễn Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Gia Thủy cho chúng tôi biết: Xác định phát triển làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí về kinh tế trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, xã đã quy hoạch khu vực sản xuất tập trung, hỗ trợ toàn bộ mặt bằng để các hộ làm nghề xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Từ năm 2012, xã Gia Thủy đã xây dựng cơ sở sản xuất gốm tại địa điểm quy hoạch làng nghề với diện tích gần 0,6ha, tổng kinh phí là 5,2 tỷ đồng.
Trong đó UBND xã đầu tư 1,6 tỷ đồng và xã viên HTX đóng góp 3,6 tỷ đồng, đã cơ bản xây dựng xong và bắt đầu đi vào hoạt động. Cơ sở đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động và gần 30 lao động thời vụ, đưa sản phẩm vào thị trường từ đầu năm 2013.
Đến nay, HTX gốm Gia Thủy không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu tăng qua các năm, từ 2,5 tỷ đồng năm 2011, tăng lên 6 tỷ đồng năm 2014. 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu ước đạt 3,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai, thợ làm nghề tại làng nghề truyền thống gốm Gia Thủy cho biết: “Gia đình tôi làm nghề gốm từ nhiều đời nay. Từ nhỏ tôi đã được ông bà, cha mẹ dạy nặn các sản phẩm từ đất, lớn lên được dạy các kỹ thuật cao hơn. Các sản phẩm truyền thống chúng tôi hay làm là chum, vại, ấm, bình hoa....
Để các sản phẩm của làng nghề gốm Gia Thủy có mặt tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh, tôi mong muốn ngành du lịch, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương quan tâm quảng bá, giới thiệu về làng nghề để khách du lịch vừa có thể tham quan, vừa có thể mua về làm quà, qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho chúng tôi”.
Ông Nguyễn Hoàng Long, chủ cơ sở sản xuất gốm Gia Thủy trên địa bàn xã Xích Thổ cho biết: Nghề gốm Gia Thủy có từ lâu đời và được duy trì qua các thế hệ người dân nơi đây. Sản phẩm gốm truyền thống của Gia Thủy đã được xuất khẩu sang các nước khó tính như Nhật Bản. Tuy nhiên, làng nghề vẫn đang gặp không ít khó khăn về đầu ra.
Với mong muốn duy trì và phát triển được nghề truyền thống, chúng tôi đã mở cơ sở sản xuất tại nhiều xã trong huyện và mục tiêu là phát triển làng nghề gắn với phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Cơ sở chúng tôi đang hướng tới sản xuất các mặt hàng để làm lưu niệm, bán cho khách du lịch như: ấm chén, các con thú, tranh gốm…
Chúng tôi cũng hy vọng sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, đào tạo về mỹ thuật và có các đề án quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn các xã có nghề truyền thống ở Nho Quan nói chung và trên địa bàn các xã có nghề gốm truyền thống nói riêng.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Để giữ gìn và phát triển các làng nghề, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho làng nghề phát triển về mặt bằng cơ sở hạ tầng sản xuất, thủ tục vay vốn, tổ chức tập huấn trang bị kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề.
Đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các làng nghề tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ. Chú trọng quảng bá các sản phẩm của làng nghề tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện và toàn tỉnh …
Duy trì và phát triển làng nghề bền vững gắn với phát triển du lịch tại huyện Nho Quan là một hướng đi tích cực, đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội vươn lên cho các địa phương, nhất là những xã vùng khó khăn.
Trước mắt huyện cần khai thác những làng nghề truyền thống đang hoạt động tốt như các làng nghề mây tre đan, gốm Gia Thủy, mộc Quỳnh Phong… Xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, tạo dựng điểm đến du lịch tại các làng nghề và khai thác các làng nghề truyền thống cho phát triển du lịch.
Để đưa các làng nghề trên địa bàn vào khai thác du lịch, huyện cũng cần rà soát lại các điều kiện hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề như xây dựng đường giao thông thuận tiện, chú trọng xử lý môi trường, xây dựng khu trưng bày sản phẩm của làng nghề…Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị hình ảnh du lịch làng nghề truyền thống trong chương trình du lịch chung của tỉnh.
Định hướng, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ sản xuất một số sản phẩm của làng nghề truyền thống phục vụ khách du lịch. Gắn du lịch làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch khác tạo nên sự đan xen phong phú giữa các hình thức du lịch n