Tháng 10 năm 1945, ba xã Bất Một, Kiến Phong; Phục cổ hợp nhất thành xã Văn Hóa, năm 1949 xã Văn Hóa đổi tên thành xã Gia Tường, gồm các thôn An Nội, Mỹ Quế, Ngọc Thự, Đầm Bái, Sơn Cao; Phú Nhiêu, Đế Hạ, Cổ Định.
- Năm 1954 các thôn Phú Nhiêu, Đế Hạ, Cổ định sáp nhập vào xã Đức Long; năm 1977 hai huyện Gia Viễn, Nho Quan hợp nhất thành lập huyện Hoàng Long.
- Năm 1981 huyện Hoàng Long tách thành 2 huyện Hoàng Long và Gia Viễn, xã Gia Tường thuộc huyện Hoàng Long.
- Xã Gia Tường ngày nay gồm có 7 thôn: Kiến Phong, Công Luận, An Nội, Mỹ Quế, Ngọc Thự, Đầm Bái, Sơn Cao.
Các cuộc đấu tranh, phong trào cách mạng của quần chúng ở xã thuộc 2 huyện Gia Viễn, Nho Quan do Đảng cộng sản lãnh đạo, nhất là những năm 1936 – 1945 tác động đến nhân dân tổng Bất Một. Tháng 6 năm 1943 các chi bộ đảng tổ chức treo cờ Đảng, dải truyền đơn kêu gọi đấu tranh cách mạng ở khu vực Cầu Đế. Sau đó phong trào cách mạng trong huyện tác động rất mạnh đến các xã Bất một, Kiến Phong, Phục cổ sớm tiếp thu đường lối cách mạng thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng tại căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu ( Nho Quan).
Năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào giai đoạn cuối, Trước tình hình đó, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “ Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945) chủ trương phát động cao trào kháng nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 22/8/1945, đoàn cán bộ Việt Minh huyện Gia Viễn gồm các đồng chí Đinh Xuân Đồng (thôn Sơn Cao), Vũ Công Hoan, Đoàn Văn Hồng, Nguyễn Văn Nam về các xã Bất Một, Kiến Phong, Phục Cổ tuyên truyền phát động, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cán bộ huyện cùng một số cốt cán các xã tập hợp quần chúng làm cuộc mít tinh tại chùa An Nội.
Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, tháng 10/1945, ba xã gồm: Bất một, Kiến Phong, Phục Cổ hợp nhất thành lập xã Văn Hóa. Ông Nguyễn Văn Huy làm chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Ông Quách Văn Sính (Mỹ Quế) làm chủ nhiệm xã bộ Việt Minh, ông Phùng Văn Bằng (Kiến Phong) làm bí thư đoàn thanh niên cứu quốc xã, bà Đinh Thị Duân (Sơn Cao) làm bí thư hội phụ nữ cứu quốc xã, ông Quách Văn Duệ ( Đế hạ) làm bí thư hội nông dân cứu quốc xã.
Quán triệt chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Trung ương Đảng (ngày 22/12/1946), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã bộ Việt Minh, chính quyền xã phát động quân dân địa phương cùng cả nước đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền tự do dân chủ. Thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất tập trung lãnh đạo kháng chiến, uỷ ban hành chính xã và uỷ ban kháng chiến xã hợp nhất thành uỷ ban hành chính kháng chiến. Nhân dân xã Văn Hoá tích cực thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến với tinh thần tất cả cho kháng chiến. Xã huy động hàng trăm lượt người tham gia hàng nghìn ngày công cùng các xã trong huyện đào hố chữ chi (Z) cắt đứt từng đoạn trên đường 12B (đoạn qua xã), đường 59 nhằm ngăn cản xe cơ giới và bước tiến quân của địch. Tham gia phá dỡ nhà cao tầng khu vực huyện lỵ (thị trấn Nho Quan) và ở khu vực cầu Đế (thôn Kiến Phong) thực hiện vườn không nhà trống (vì đây là đầu mối giao thông thuỷ bộ) không cho địch lợi dụng điểm cao đặt hoả lực khi chúng tấn công vào địa bàn. Nhân dân toàn xã đóng góp hàng nghìn cây tre làm chông xây dựng trận địa đánh quân nhảy dù đổ bộ đường không cắm trên các cánh đồng bằng phẳng như Cầu Bổng, Bái Bạc. Giúp đỡ, bảo vệ an toàn xưởng in Báo Cứu quốc.
Ngày 12/02/1948, đồng chí Đoàn Quang Phong cán bộ Huyện ủy Gia Viễn tổ chức thành lập chi bộ đảng xã Văn Hóa, tại thôn Đầm Bái (nhà ông Vũ Văn Thái) gồm 3 đảng viên: Đặng Văn Bào, Nguyễn Văn Huy, Quách Văn Khiết. Đồng chí Đặng Văn Bào được chỉ định làm bí thư chi bộ. Thời gian này ông Đinh Văn Trưng làm chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến xã.
Chi bộ đảng xã Văn Hoá ra đời là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa rất sâu sắc trong đời sống xã hội ở địa phương. Từ đây, xã Văn Hoá có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến kiến quốc ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của xã bộ Việt Minh, chi bộ Đảng, uỷ ban kháng chiến hành chính xã, nhân dân xã Văn Hoá – Gia Tường tích cực tham gia các hoạt động xây dựng lực lượng kháng chiến, đẩy mạnh sản xuất, đóng góp ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, du kích. Đặc biệt, lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu phục vụ chiến đấu đánh địch, lập thành tích xuất sắc góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nuớc ta hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta được tự do, hạnh phúc. Trải qua kháng chiến, Xã Gia Tường được nhà nước tặng thưởng 55 huân chương kháng chiến, huy chương kháng chiến cho cá nhân và tập thể, có ....liệt sĩ, ... thương binh.
Đảng bộ xã Gia Tường đã kế thừa và phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng của Đảng bộ, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. đảng bộ và nhân dân Gia Tường hăng hái hưởng ứng tích cực tham gia chiến dịch sản xuất Hà Nam Ninh toàn thắng do tỉnh ủy phát động và phong trào thi đua sản xuất do huyện uỷ phát động, phong trào thi đua, các hợp tác xã phát động phong trào vượt khoán, hợp nhất 3 hợp tác xã nông nghiệp quy mô thôn thành lập hợp tác xã quy mô toàn xã và nhiều phong trao thi đua khác. Triển khai thực hiện chủ trương chính sách kinh tế mới Đảng bộ Gia Tường lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm (1981-1985) xây dựng phát triển kinh tế theo hướng mới tinh thần làm cho sản xuất bung ra, giải phóng mọi năng lực sản xuất, triệt để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Từ năm 1986 - 2010 Đảng bộ lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nông dân xã viên hợp tác xã được giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài, chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh. Tình hình kinh tế, văn hóa- xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Từ năm 2011- 2017 thực hiện Chủ trương đường lối của Đảng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015; 2016-2020 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Tường đã nỗ lực phấn đấu vươn lên toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế không ngừng tăng trưởng; văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa từ trung tâm xã đến các thôn được nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp xây dựng khang trang, sạch đẹp. Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường. Nhờ đó, từ một xã kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu nay nông thôn xã Gia Tường đã có bước phát triển khá toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.